Cẩn thận với 12 bộ phận rất hay hỏng trên xe ô tô | Autoz

Muốn tăng tuổi thọ, giữ độ bền cho các chi tiết, bộ phận của xe ô tô thì không nên bỏ qua bài viết chia sẻ các vấn đề thường gặp và cách xử lý hữu ích được phụ tùng ô tô Autoz.vn tổng hợp dưới đây.

1. Lốp và La-zăng (mâm xe)

Bánh xe là bộ phận thường xuyên phải làm việc dưới điều kiện khắc nghiệt nhất, vừa phải tải toàn bộ trọng lượng của xe vừa phải tiếp xúc với mặt đường. Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ mặt đường lên cao hay khi xe chạy qua các ổ gà với tốc độ cao, leo xe lên vỉa hè,… Tình trạng này diễn ra nhiều lần có thể khiến các lốp xe bị mòn, rách hoặc nổ bất cứ lúc nào, nguy hiểm nhất là lúc xe đang chạy. Hơn nữa, các cú va chạm mạnh ở bánh xe còn khiến la-zăng bị méo khiến xe bị rung khi chạy.

Lời khuyên:

Các chuyên gia có kinh nghiệm về ô tô khuyến cáo các chủ xe nên đảo lốp định kỳ khoảng 10.000 km/lần và kiểm tra, cân bằng động. Tuỳ theo từng điều kiện mà lốp xe có thể bị mòn trước hoặc sau khi chất cao su bị thoái hoá.

2. Giảm chấn trước

Giảm chấn trước xe ô tô thường hay hỏng hơn giảm chấn sau vì khi phanh xe, hệ thống treo trước phải chịu áp lực rất lớn so với trọng lượng xe dồn lên. Khi một trong hai giảm chấn trước bị hỏng, tài xế sẽ cảm nhận được xe không hấp thụ được xóc khi qua các gờ giảm tốc, ổ gà,…

Lời khuyên:

Trong quá trình lái xe, người điều khiển phương tiện nên chạy với tốc độ chậm rãi, hạn chế phanh gấp để hạ bớt áp lực cho giảm chấn trước. Khi nhận thấy vấn đề ở giảm chấn, thường là chảy dầu thì chủ xe nên thay luôn cả đôi giảm xóc. Nếu chỉ thay 1 giảm xóc bị hỏng sẽ khiến quá trình hấp thụ xóc giữa hai bánh xe sẽ không đều nhau, mất ổn định.

3. Dây cua-roa

Nhiệm vụ của dây cua-roa là dẫn động các bộ phận như máy phát, lốc điều hòa, bơm trợ lực lái,…thậm chí còn dẫn động hệ thống bơm nâng gầm trên một số dòng xe thể thao, xe sang hiện nay. Biểu hiện sự xuống cấp của loại dây này là khi có các vết nứt, vỡ, phát ra tiếng kêu rít khi nổ máy.

Lời khuyên:

Dây cu-roa bị hỏng thường do sử dụng đã quá lâu ngày không được thay định kỳ, cũng có khi do đám chuột chui vào xe cắn đứt. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người dùng cần kiểm tra và xử lý ngay lập tức tránh sự cố xảy ra. Nếu không có tác động xấu nào, tốt nhất chủ xe nên kiểm tra và thay thế dây này định kỳ sau khoảng 80.000 -100.000 km chạy xe.

4. Bơm cao áp hệ thống phun xăng trực tiếp

Để thực hiện nhiệm vụ, bộ phận này được làm mát và bôi trơn bằng chính nhiên liệu xe sử dụng. Dù nó có độ bền rất cao nhưng đôi khi sự vô tâm trong cách sử dụng của con người khiến bơm cao áp hệ thống phun xăng dễ dàng bị hỏng. Cụ thể, khi nhiên liệu bẩn hoặc chiếc ô tô đó thường xuyên chạy trong điều kiện cạn kiệt nhiên liệu sẽ làm bơm bị xước dẫn đến hở và giảm áp suất bơm.

Lời khuyên:

Những người có kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô cho biết, khi bơm cao áp bị hỏng hoặc thiếu áp có thể khiến động cơ xe bị “liệt”, tức không khởi động được. Hậu quả nhẹ nhất cũng khiến lượng nhiên liệu cung cấp không đủ làm cho chiếc xe bị rung giật và máy hoạt động rất yếu.

Do đó, các bác tài cần lưu ý đến bình xăng, dầu, không để đóng cặn và trang bị xăng xe luôn trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu”.

5. Đường ống cung cấp nhiên liệu

Đường ống dẫn nhiên liệu từ bình chứa vào đến họng phun được chia làm các đoạn: phần chạy dọc gầm xe được làm bằng chất liệu kim loại; đoạn nằm trong khoang máy được làm bằng nhựa tổng hợp. Trong đó, phần làm bằng nhựa rất dễ bị hỏng, nhất là hay được lũ chuột “hỏi thăm” khiến các điểm nối bị co ngót hoặc hở gây tình trạng rò rỉ nhiên liệu. Nguy hiểm hơn là hiện tượng rò rỉ nhiên liệu còn có nguy cơ gây cháy xe khi gặp tia lửa điện.

Lời khuyên:

Hiện trên một số dòng xe ô tô hiện đại thường có đèn báo lỗi động cơ, nếu xảy ra lỗi này thì đèn sẽ phát sáng. Khi đó, tài xế cần mang xe đến gara để thợ kiểm tra và khắc phục sớm, không nên để lâu vì xe của bạn có thể bốc cháy bất cứ lúc nào.

6. Bình ắc quy

Tuổi thọ của một chiếc bình ắc quy ô tô thường kéo dài từ 2-4 năm, tuỳ theo điều kiện sử dụng và bảo dưỡng của chủ. Dấu hiệu cho biết tuổi thọ ắc quy đang giảm nhanh chóng là điện áp sụt, đèn báo và bảng đồng hồ tối lại khi bật chìa khoá, khởi động xe. Nếu quá yếu, động cơ sẽ không khởi động được mà chỉ phát ra những tiếng tạch tạch từ củ đề.

Lời khuyên:

Đối với xe dùng ắc quy nước, bạn cần kiểm tra định kỳ và bổ sung nước cho ắc quy nếu cần thiết. Khi cạn nước sẽ ảnh hưởng đến các bản cực và không thể phục hồi khi đổ nước đầy trở lại. Lúc đó bạn sẽ mất một khoản tiền để thay ắc quy mới.

7. Vòi phun nhiên liệu

Vòi phun nhiên liệu được thiết kế độ chính xác rất cao, với các lỗ nho li ti để phun nhiên liệu như bụi sương mù và dễ cháy. Do lỗ phun quá nhỏ nên cặn bẩn bám rất dễ làm cho vòi bị tắc, giảm khả năng phun của vòi hoặc tắc một số lỗ phun.

Chỉ vì thế mà nhiên liệu sẽ không được dẫn đến xy-lanh đúng mức nó cần gây ra rung giật, xe chạy yếu. Cũng có thể động cơ không khởi động được dù hệ thống điện và đánh lửa vẫn hoạt động bình thường.

Lời khuyên:

Bộ phận này cũng cần được mang đến gara để thợ kiểm tra và vệ sinh định kỳ.

8. Cần gạt nước mưa

Khi thấy cần gạt nước hoạt động khó, gạt không sạch nước, hay bị vấp hoặc phát ra những tiếng kêu lạ khi di chuyển trên mặt kính,… chứng tỏ chi tiết này đã bị hỏng. Nếu vẫn cố tình sử dụng, cần gạt này có thể khiến mặt kính trước xe bị trầy xước hoặc ảnh hưởng đến an toàn khi tham gia giao thông trong điều kiện trời mưa của hành khách.

Lời khuyên:

Vòng đời của nó thường chỉ kéo dài 2 năm, cần thay cần gạt mới khi thấy dấu hiệu xuống cấp. Lúc kính khô không nên sử dụng cần gạt mưa để không gây khó dễ cho mô-tơ và cơ cấu cần gạt, tránh xước kính.

9. Các vòng bi

Vòng bi bị hỏng sớm mà nguyên nhân chủ yếu là hở phớt chắn mỡ khiến mỡ bôi trơn hao hụt hoặc ngấm nước vào trong. Nếu vòng bi khô, kêu sẽ gây ồn và sinh nhiệt lớn, ảnh hưởng đến quá trình làm mát của động cơ.

Lời khuyên:

Thực tế do chủ xe rửa động cơ bằng nước tuỳ tiện, không đúng quy trình đã tạo cơ hội cho nước vào làm chết vòng bi. Hành động này cần được chấm dứt ngay, bên cạnh đó yêu cầu thay thế vòng bi mới kịp thời để không gây hậu quả nào khác.

10. Gioăng kính cửa sổ

Với điều kiện hoạt động, bảo quản tốt, gioăng kính lái và kính cửa sổ bằng cao su có thể hoạt động đến 7 – 10 năm. Nhưng nếu xe thường xuyên chạy mưa, nắng, chất liệu cao su sẽ dễ bị chai cứng, nứt, gẫy. Từ đó, kính cửa sẽ không còn khít chặt mà thay vào đó là những tiếng kêu từ kính, giảm khả năng chống ồn của xe. Bên cạnh đó, bụi bẩn kẹt bên trong các khe cũng khiến gioăng cao su bị thoái hoá nhanh chóng.

Lời khuyên:

Người dùng có thể hạn chế mở cửa kính để tránh bụi bẩn bay vào và bám lại. Vệ sinh các hốc, khe trên xe là cách tốt nhất để bảo vệ gioăng kính bền lâu.

11. Bóng đèn

Bóng đèn xe ô tô có khá nhiều dạng trên thị trường như halogen, xenon, HID hay LED. Mỗi loại sẽ có những ưu nhược điểm và tuổi thọ khác nhau. Đối với đèn halogen có thể “sống” khoảng 450 – 1.000 giờ chiếu sáng với điều kiện bình thường. Các loại đèn xenon, HID có tuổi thọ gấp đôi đèn halogen và đèn LED còn chạy được lâu hơn thế nữa.

Tuy nhiên, nếu có sự cố va chạm mạnh, hoạt động thất thường do nguồn điện sẽ khiến đèn dễ cháy ngay cả khi chưa đến “số”.

Lời khuyên:

Bóng đèn chiếu sáng tuy nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng với người lái. Nếu không may hỏng đèn khi chạy xe vào ban đêm rất dễ gây tai nạn cho chủ xe. Bạn có thể chuẩn bị sơ cua bộ bóng đèn phòng khi hỏng bất ngờ trên đường để có thể thay kịp thời. Hơn nữa, trước khi di chuyển cũng cần phải kiểm tra đèn chiếu sáng trước.

12. Sơn vỏ xe

Sơn vỏ xe bị xuống cấp nhanh chóng là do cách sử dụng của con người chưa chính xác. Cụ thể, rửa xe không đúng kỹ thuật, dùng khăn lau xe khi có nhiều bụi bám làm lớp cát bám cọ xát gây xước sơn. Nặng nề hơn là có va quệt.

Lời khuyên:

Khi rửa xe, người rửa chú ý rửa riêng các khu vực bẩn như nẹp hông, các chắn bùn, cản trước và sau…Nên dùng súng phụt nước áp suất cao phụt kỹ chất bẩn bám trên vỏ xe trước khi rửa lại bằng hóa chất chuyên dùng. Sau đó, dùng khăn mịn lau xe để cho khô nước, không dùng khăn lau khi xe bám bẩn.

Thông tin liên hệ:

Hotline tư vấn: 0976 108 148

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *